Nguyễn Ly Hương, cô gái từng giành được giải nhất cuộc thi quốc tế dành cho các nghệ sỹ sáo flute tại Nam Ninh (TQ) vinh dự được trình diễn trong dàn nhạc giao hưởng danh tiếng Covent Garden Soloists (Trực thuộc Nhà hát giao hưởng vũ kịch Hoàng gia London- Vương quốc Anh) tại đêm nhạc Toyota Classic 2014 vào 18/11 này tại TP.HCM.
Nguyễn Ly Hương là nghệ sỹ trẻ lập kỳ tích cho âm nhạc Việt
Hương có thể chia sẻ một chút cảm xúc khi được vinh dự trình diễn với dàn nhạc danh tiếng Covent Garden Soloists - ước mơ của bất cứ nghệ sỹ nào?
Mình thấy rất vui và tự hào vì được chọn biểu diễn tại một trong những chương trình âm nhạc cổ điển thường niên có uy tín nhất tại Việt Nam hiện nay. Cũng có một chút hồi hộp vì đây là lần đầu tiên, mình biểu diễn độc tấu cùng dàn nhạc tại TP. HCM. Mình hy vọng khán giả TP. HCM sẽ đón nhận và yêu thích chương trình này.
Năm 2013, Hương đã vượt qua 78 đối thủ “nặng ký” để giành ngôi vị quán quân trong “Cuộc thi quốc tế dành cho các nghệ sĩ sáo flute” (diễn ra tại Nam Ninh, Trung Quốc), điều gì giúp Hương làm nên kỳ tích đó?
Thành tích này là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Đầu tiên, phải kể đến công lao của người thầy dạy mình suốt 14 năm qua – thầy Nguyễn Trung Thành, giảng viên flute của Nhạc viện. Và điều quan trọng nhất là sự nỗ lực của bản thân, cố gắng tập luyện trong suốt thời gian dài. Bên cạnh đó còn có sự ủng hộ vô điều kiện của gia đình, cho mình có cơ hội được theo đuổi đam mê.
Thực ra, về kinh nghiệm và kỹ thuật khó có thể nói mình hơn 78 đối thủ nặng ký đó. Nhưng theo như ban giám khảo nhận xét, phần thi của mình xuất sắc ở chỗ đã thể hiện được thần thái tác phẩm và bản lĩnh sân khấu tốt. Bởi vậy, theo mình, yếu tố quan trọng nhất làm nên kỳ tích này là tình yêu mình dành cho flute.
Hương cho rằng, chính tình yêu cô dành cho flute đã làm nên kỳ tích
Hương bén duyên với sáo flute từ bao giờ? Tại sao là một người trẻ, Hương không chọn chơi các loại nhạc cụ phổ biến như piano, violin, organ… mà lại chọn sáo flute - loại nhạc cụ bác học và được cho là “cổ” và “già”?
Dàn nhạc giao hưởng Covent Garden Soloists là dàn nhạc được đánh giá chuyên nghiệp nhất thế giới. Họ không chỉ được đánh giá cao trong phong cách biểu diễn mà lối diễn xuất, thời trang của dàn nhạc cũng luôn là điều thu hút khán giả. |
Sáo Flute là nhạc cụ thứ 2 mình theo học. Thời điểm đầu, mình học đàn organ điện tử và cũng nhờ bộ môn này, mình đã thi đỗ Nhạc viện khi mình lên 10 tuổi. Nhưng ngay sau đó, các giáo sư bộ môn Kèn đã nhìn thấy ở mình có tố chất của người thổi sáo và đề nghị mình thử học. Càng học mình càng yêu thích, say mê flute.
Theo mình, mỗi loại nhạc cụ đều có những nét đẹp riêng. Với người nghệ sỹ, gắn bó với loại nhạc cụ nào không phải chỉ là sự lựa chọn, sự phù hợp mà còn là cái duyên. Có lẽ, mình có duyên với flute.
Không thể phủ nhận, sáo flute không phù hợp với nữ giới bởi nó là loại nhạc cụ cần trường hơi, phải có sức khỏe tốt mới giữ được hơi ổn định và dài. Nhưng bạn cũng thấy rồi đấy, mình đã gắn bó với flute suốt 15 năm, hơi mình vẫn khỏe, giai điệu sáo vẫn ngọt và dài… cho dù mình là một cô gái khá mong manh (cười).
9X xinh đẹp có ước mơ trẻ hóa âm nhạc cổ
Hương nói mình có ước mơ “trẻ hóa” loại nhạc cụ “già” này? Vậy Hương đã có những sáng tạo như thế nào để trẻ hóa nó?
Trẻ hóa ở đây có nhiều nghĩa: trẻ hóa về phong cách trình diễn, trẻ hóa về thể loại âm nhạc, trẻ hóa về nội dung tác phẩm biểu diễn để giới trẻ dễ dàng đón nhận hơn, … Lợi thể của sáo Flute là có thể trình diễn nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, chứ không chỉ thể loại nhạc cổ điển như mọi người vẫn nghĩ.
Mình từng dùng sáo flute để thể hiện những ca khúc trẻ trung, sôi động cùng với các loại nhạc cụ điện tử violon điện, cello điện hay dùng flute để cover một ca khúc nước ngoài nhưng lại là trên nền nhạc Hàn… Hy vọng, bằng những cách đó, mình có thể đưa cây sáo flute đến gần hơn với khán giả yêu âm nhạc tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét